Kinh tế học phát triển cho rằng: Nguồn nhân lực (NNL) là một bộ phận dân cư trong độ tuổi quy định có khả năng tham gia lao động. NNL được xem xét và đánh giá ở hai phương diện là số lượng và chất lượng. Số lượng NNL thể hiện qua các thông số về quy mô, cơ cấu tuổi, giới tính... Chất lượng NNL là khả năng tổng hợp về thể lực, trí lực, kiến thức, kỹ năng làm việc, phong cách, đặc điểm lối sống, tinh thần, khả năng nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... Nguồn lao động là tổng số những người trong độ tuổi lao động đang tham gia lao động hoặc đang tích cực tìm kiếm việc làm. Nguồn lao động cũng được hiểu trên hai phương diện số lượng và chất lượng. Như vậy, có một bộ phận người lao động được tính là NNL nhưng không phải là nguồn lao động, đó là những người không có việc làm nhưng không tích cực tham gia tìm kiếm việc làm (những người không có nhu cầu tìm việc), những người trong độ tuổi lao động nhưng đang đi học...
Tiếp cận dưới góc độ của Kinh tế Chính trị có thể hiểu: NNL là tổng hoà thể lực và trí lực tồn tại trong toàn bộ lực lượng lao động (LLLĐ) xã hội của một quốc gia, trong đó kết tỉnh truyền thống và kinh nghiệm lao động sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử được vận dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ cho nhu cầu hiện tại và tương lai của đất nước.
Theo một số nhà kinh tế hiện đại, NNL được hiểu là: toàn bộ trình độ chuyên môn mà con người tích luỹ được, nó được đánh giá cao vì tiềm năng đem lại thu nhập trong tương lai. Giống như nguồn lực vật chất, NNL là kết quả đầu tư trong quá khứ với mục đích tạo ra thu nhập trong tương lai (Begg, Fischer và Dornbusch). Tuy nhiên, NNL khác với nguồn lực vật chất khác ở chỗ, mỗi con người trong lao động có những năng lực nhất định, bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với công việc. Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về NNL.