1. Hành trình nhân sinh của đời người là một chặng đường dài mà trên đó, có những đoạn, những khúc, những ngã rẽ và những trạm nghỉ chân nối tiếp. Từ khi ở cữ, đầy tháng, thôi nổi, đặt tên, cùng mụ... đến lúc “tam thập nhi lập" tỉnh chuyện “tậu trâu - cưới vợ - làm nhà", rồi khao vọng, vinh quy, làm cai, lên lão, mừng thọ, trăm tuổi, thay ảo, đoạn tang... Mỗi đoạn đường lại được đánh dấu bằng một nghi lễ nhất định. Trong hệ thống những nghi lễ vòng đời đó, đám tang là điểm dừng chân cuối cùng, kết thúc chặng đường nhân sinh, khởi đầu cho hành trình phiêu du của linh hồn về với tổ tiên, lên mường trời hay xuống mương ma, địa phủ.
Nghiên cứu văn hóa tộc người không thể bỏ qua đặc trưng nghi lễ vòng đời với ba cột mốc quan trọng: sinh đẻ, cưới, tang ma. Khó lòng phân biệt trọng khinh, chính thứ... Song có thể nhận định rằng, ở hầu hết các tộc người, nghi lễ tang ma luôn có vai trò quan trọng hàng đầu gắn với những nghi thức kéo dài và phức tạp. Nguyên nhân không phải chỉ ở tâm lí ứng xử đạo đức “nghĩa tử là nghĩa tận" mà còn bởi quan niệm tâm linh khi cho rằng nghi thức đám tang sẽ quyết định vận mệnh của người ra đi và tiền đồ của những người ở lại.
Tang ma là một trong những yếu tố cấu thành diện mạo văn hóa. Thời gian có phủ mở lên vạn vật, làm thay đổi nhiều giá trị vật chất, tinh thần nhưng vai trò của đám tang thì dường như vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa truyền thống bởi nó bắt nguồn từ căn nguyên đạo đức thiện lương và những quan niệm tín ngưỡng bền chặt. Nếu như sức khỏe của sản phụ và em bé là mục đích hàng đầu của những quy ước, phong tục trong s sinh đẻ, hạnh phúc lứa đôi và thái độ đánh giá của cộng đồng khiến nhà trai, nhà gái làm đúng phong tục hôn nhân thì yếu tố đạo đức - tín ngưỡngg lại là nguyên nhân chủ yếu để gia đình tang chủ và người đến viếng tuân 1 thủ nghiêm ngặt nghi thức đám ma. Họ tin rằng, nếu đám ma không theo đúng lệ tục, để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện thì người chiếết sẽ không được đủ đầy, thoải mái, khó siêu thoát, vất vưởng, bơ vơ, còn người ở lại thì mãi sống trong áy náy, có thể gặp rủi ro, vận hạn.
2. Văn hóa tang ma với đầy đủ nguyên tắc và kiêng kị là vùng quan tâm của nhóm nghiên cứu chúng tôi. Giải mã những bí ẩn trong đám tang sẽ giúp chúng ta thấu hiểu hơn vấn đề về văn hóa tộc người, từ quuan niệm vũ trụ đến nhận thức tín ngưỡng và triết lý nhân sinh. Trong quá trình tiếp cận văn hóa dân tộc từ hiện tượng cụ thể ấy, những vỉa thẳng văn hóa sẽ dần được phát lộ rõ hơn.
Trên địa tầng văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, văn hóa tang ma là một mảng màu đa sắc. Giữa những cái chung trong quuan niệm linh hồn bất tử, vai trò đặc biệt của đội ngũ thầy cúng, niềm tin sự tác động của cải chết đến đời sống cộng đồng... là vô số những đặc trưng riêng mang dấu ấn của mỗi tộc người. Một đám ma lộng lẫy cờ phướn của người Mông ở Sử Pa Phin - Lào Cai, 12 đêm mo huyền bí với lễ tết quạt trước quan tài độc đáo của người Mường, màn hóa trang và múa đầu lâu đậm chất phồn thực và dấu ấn hiến tế của người Lô Lô, chiếc : túi thu hồn theo sát thầy tào Sán Chỉ... tất cả đã làm nên diện mạo đặc sắc cho bức tranh văn hóa tang ma của các dân tộc thiểu số trên những thung lũng và rẻo cao phía Bắc Việt Nam.
3. Nghiên cứu nghi lễ tang ma của các tộc người thiểu số hấp dẫn, song không ít những gian nan. Nếu như việc sinh đẻ có kì, có cữ, chuyện cưới xin, cấp sắc phải tỉnh kĩ ngày tháng cụ thể, rõ ràng thì sự chết chóc là việc do ông Trời sắp đặt. Có những đám tang chúng tôi may mắn được chứng kiến từ đầu đến cuối, nhưng cũng có những lần mà nhóm nghiên cứu tới nơi cũng chỉ kịp vái người mất một lần rồi hạ huyệt. “Phục kích” để tìm hiểu phong tục tang mà một cách trực tiếp là một công việc khá vất vả, đòi hỏi sự kiên trì vượt qua mọi khó khăn từ nhiều phiền phức của chúng tôi.
Và cuối cùng, công trình của chúng tôi được hoàn thành sau những chuyển điển dã trên nhiều địa bàn cư trú của tộc người Sản Chỉ, với sự chứng kiến trực tiếp một số đám tang tương ứng với ba trường hợp người chết là đàn ông không học thầy, người chết là người phụ nữ đã qua sinh nở, người chết là người học thầy củng. Chúng tôi nhận thấy rằng, người Sán Dìu đặc biệt coi trọng cách thức tổ chức tang ma, bởi tang ma không chỉ là công việc tiễn đưa một linh hồn về thế giới bên kia mà còn thể hiện cách ứng xử truyền thống gắn với những quan niệm tộc người về thế giới quan, nhân sinh quan, vũ trụ quan. Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu diễn ra với nhiều khâu đoạn, các bước tiến hành riêng biệt mang đặc trưng của tộc người, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Tang chế của người phụ nữ có con, hệ thống tranh thờ và những vật thiêng người mất mang theo chính là nét đặc sắc nhất trong nghi lễ tang ma của người Sán Dìu, chứa đựng tính thiêng và nhiều ẩn số văn hóa. Đó cũng là điểm mà chúng tôi hưởng tới trên con đường khám phá nét đẹp văn hóa của tộc người này.
Cuốn sách chuyên khảo của chúng tôi có sự kế thừa kết quả nghiên cứu và ý kiến góp ý của nhiều nhà khoa học và đặc biệt là sự hợp tác, giúp đỡ nhiệt thành của các cộng tác viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... Rất mong nhận được ý kiến chia sẻ, đóng góp của độc giả gần xa để lần tái bản, bổ sung sau được hoàn thiện hơn.
NHÓM TÁC GIẢ