logo
  • Đại Nam Nhất Thống Chí - Tập 1

Đại Nam Nhất Thống Chí - Tập 1

Tác giả
Quốc Sử Quán Triều Nguyễn - Phạm Trọng Điềm(dịch) - Đào Duy Anh(Hiệu đính)

Số lượt xem : 1981

Số lượt download : 224

Ngày upload : 25/08/2023

Ngày cập nhật : 15/05/2024

Tags : Tham khảo Lịch sử Địa lý Nghiên cứu Tư liệu Đại Nam Nhất Thống Chí Lịch sử Việt Nam

Kích thước : 51.00 MB

Số trang : 502

Trong lịch sử Việt Nam, địa lý học là một môn học có lịch sử lâu đời. Theo Lê Quý Đôn, năm 1172 đời vua Lý Anh Tông đã có một quyển địa lý học Việt Nam gọi là Nam Bắc phiên giới địa đồ.

Năm 1435, vua Lê Thái Tông sai Nguyễn Trãi soạn sách Dư địa chí mà nhiều người vẫn gọi là Ức Trai dư địa chí. Sau khi Nguyễn Trãi làm xong Dư địa chí, Lê Thái Tông sai Nguyễn Thiên Túng làm tập chú, Nguyễn Thiên Tích làm cẩn án, Lý Tử Tấn làm thông luận, rồi sai khắc in vào bộ Quốc thư bảo huấn đại toàn.

Dư địa chí của Nguyễn Trãi là quyển sách địa lý học xưa nhất còn lại cho chúng ta đến ngày nay.

Năm 1400, tức năm Hồng Đức thứ 21, Lê Thánh Tông sai làm sách Thiên hạ bản đồ. Đến thế kỷ XVII, người ta đã căn cứ vào sách Thiên hạ bản đồ mà soạn ra sách Hồng Đức bản đồ trong đó có phụ chép cả bản đồ năm Trịnh Sâm đem quân đánh Thuận Quảng (1774).

Đầu thế kỷ XVIII vào năm Bảo Thái thứ tư đời vua Lê Dụ Tông, Trịnh Cương sai định lại biên giới các châu huyện rồi làm ra sách Tân định bản đồ. Cuối đời vua Lê Hiển Tông, Dương Nhữ Ngọc người Lạc Đạo huyện Gia Lâm viết một quyển địa lý học Việt Nam gọi là Thiên Nam lộ đồ thư. Cũng vào cuối thế kỷ XVIII, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Tôn Quãi đã dựa vào Dư địa chí của Nguyễn Trãi mà soạn sách Nam quốc vũ cống.

Dưới triều Tây Sơn, một số sách về địa lý học Việt Nam cũng ra đời. Đó là sách Cảnh Thịnh tân đồ, Cao Bằng phủ toàn đồ, Mục mã trấn doanh đồ (các sách này bị người sau in lẫn vào sách Hồng Đức bản đồ).

Đầu thế kỷ XIX, ngay sau khi lên ngôi vua được mấy năm, Gia Long sai Lê Quang Định soạn bộ Nhất thống dư địa chí. Dưới triều Minh Mệnh, Phan Huy Chú soạn Dư địa chí, một phần quan trọng của Lịch triều hiến chương loại chí, một quyển địa lý học sơ lược về nước Đại Nam. Dưới triều Tự Đức, Quốc sử quán biên soạn ra Đại Nam nhất thống chí, là bộ sách lớn chúng tôi sẽ nói kỹ ở sau.

Năm 1886, tức năm Đồng Khánh thứ 2, theo lệnh của triều đình Huế, Hoàng Hữu Xứng đã làm xong bộ Đại Nam quốc cương giới vựng biên gồm bảy quyển. Sau đó triều đình lại sai Quốc sử quán biên soạn bộ Đồng Khánh địa dư chí mà người ta còn gọi là Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược hoặc Đồng Khánh địa dư chí lược gồm có 27 quyển và nhiều bản đồ. Nam Kỳ lúc này đã là thuộc địa của Pháp rồi nên Đồng Khánh địa dư chí không nói đến các tỉnh thuộc đất Gia Định cũ, mà chỉ nói đến các tỉnh thuộc Trung Kỳ và Bắc Kỳ mà thôi.

Năm 1909, tức năm Duy Tân thứ 3, triều đình Huế lại sai Quốc sử quán soạn lại bộ Đại Nam nhất thống chí mà nhiều người thường gọi là Đại Nam nhất thống chí mới, khác với bộ Đại Nam nhất thống chí soạn từ đời Tự Đức được gọi là Đại Nam nhất thống chí cũ. Đại Nam nhất thống chí mới chỉ nói về các tỉnh thuộc Trung Kỳ mà thôi, còn đất Nam Kỳ bị coi là thuộc địa Pháp, đất Bắc Kỳ là đất bảo hộ của Pháp không hề được nói đến.

Ngoài các sách kể trên, các sách sau đây cũng có nhiều tài liệu về địa lý học rất cần cho những ai muốn nghiên cứu lịch sử hoặc địa lý Việt Nam về thời trước.

An Nam chí lược của Lê Tắc; quyển hai trong số tám quyển còn lại của bộ Thiên Nam dư hạ tập biên soạn đời Lê Thánh Tông: quyển Hộ thuộc, một trong ba quyển còn lại của bộ Lê triều hội điển được biên soạn hồi thế kỷ XVIII; Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn; Phủ biên tạp lục cũng của Lê Quý Đôn; Toản tập thiên nam tứ chí bộ đồ thư được biên soạn vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVII hoặc đầu thế kỷ XVIII; Thối thực ký văn (quyển chép về phong vực) của Trương Quốc Dụng soạn đời Minh Mệnh; Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng vv..

Về địa lý địa phương, hiện chúng ta có: Ô châu cận lục của Dương Văn An đời Mạc chép về núi sông, thành trì, phong tục của xứ Thuận Quảng; Gia Định thông chí của Trịnh Hoài Đức; Hưng Hoá phong thổ chí của Hoàng Bình Chính; Bắc thành địa dư chí 12 quyển; Nghệ An chí của Bùi Dương Lịch; Hưng Hóa ký lược của Phạm Thận Duật; Cao Bằng kỷ lược của Phạm An Phủ.

Về địa lý học Việt Nam trong các thời trước, chúng ta còn phải kể: Việt dư thặng chí toàn hiện của Lý Trần Tấn đời Gia Long; Hoàng Việt địa dư chí gồm hai quyển Đại Nam địa dư toàn biên mà chúng ta vẫn thường gọi là Phương Đình địa chí của Nguyễn Văn Liên soạn ra từ đời Minh Mệnh; Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng; Đại Việt cổ kim duyên cách địa chí của Nguyễn Thụy Trân; Nam quốc địa dư chí, Tân đính Nam quốc địa dư giáo khoa thư của Lương Trúc Đàm; Hiện Kim Bắc Kỳ địa dư sử ký của Ngô Giáp Đậu...

Trong tất cả các sách về địa lý học kể trên, thì Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức là bộ sách địa lý học Việt Nam đầy đủ nhất dưới thời phong kiến. Đại Nam nhất thống chí theo bộ Đại Thanh nhất thống chí của Trung Quốc mà chia ra các mục như: phương vi, phân dã, kiến trí, duyên cách, phủ huyện, hình thế, khí hậu, phong tục, thành trì, học hiệu, hộ khẩu, điền phú, sơn xuyên, quan tấn, dịch trạm, thị lập, từ miếu, tự quán, phân việt, thổ sản v.v... Ngoài ra, Đại Nam nhất thống chí còn có những quyển chép riêng về Cao Miên (Campuchia), Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Vạn Tượng.

Ở tất cả các mục, Đại Nam nhất thống chí có rất nhiều tài liệu không những về địa lý mà cả về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn học nghệ thuật nữa. Về tất cả các tỉnh của nước Việt Nam từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. Đại Nam nhất thống chí cung cấp cho người đọc rất nhiều tài liệu quý báu.

Sau khi công việc biên soạn Đại Nam nhất thống chí đã hoàn thành, vua Tự Đức sai sửa lại và soạn thêm một quyển Bổ biên nữa để ghi chép các sự kiện cho đến hết năm 1881. Quyển Bổ biên (Đại Nam nhất thống chí) vừa làm xong thì đêm hôm 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 xảy ra trận Tôn Thất Thuyết đánh úp quân Pháp ở Huế, và ngày 5 xảy ra trận quân Pháp phản công. Bản thảo Bổ biên bị thất lạc. Vì vậy bộ sách Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức bị thiếu mất một phần. Tuy vậy nó vẫn là bộ sách địa lý học của Việt Nam đầy đủ nhất dưới thời phong kiến.

Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức còn lại cho chúng ta là bộ sách chép tay không có tựa, không có tên tác giả và năm tháng biên soạn.

Căn cứ vào duyên cách các tỉnh, đạo, phủ, huyện, thì có thể đoán được rằng sách được biên soạn vào thời gian trước năm Tự Đức thứ 29 (1875) là năm đặt lại tỉnh Hà Tĩnh (sách còn chép là đạo Hà Tĩnh) và sau năm Tự Đức thứ 18 (1864) là năm chia lại hai huyện Tuy Viễn và Tuy Phước thuộc tỉnh Bình Định.

Trong các bản chép tay Đại Nam nhất thống chí hiện còn giữ được, hiện có hai bản: bản của Viện Sử học đề là Cựu Đại Nam nhất thống chí ký hiệu HV.140 gồm 9 tập, và bản Đại Nam Nhất thống chí ký hiệu A.69 gồm 28 tập của Thư viện Khoa học.

Thư viện Viện Sử học còn có một bản Đại Nam nhất thống chí ký hiệu HV.38, so với hai bản trên thì có một số điểm khác nhau, nhưng bản ký hiệu HV.38 lại thiếu mất mấy quyển về Trung Kỳ, Bắc Kỳ và toàn bộ các tỉnh Nam Kỳ.

Ngoài ra, chúng ta còn có bộ Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán đời Duy Tân biên soạn, được khắc in năm 1909, nhưng bộ sách này chỉ có các tỉnh Trung Kỳ.

Để cho công tác phiên dịch và hiệu đính được chính xác, chúng tôi căn cứ vào bản HV.140 của Thư viện Viện Sử học và bản A.69 của Thư viện Khoa học, đối chiếu hai bản với nhau để lấy những phần mà chúng tôi cho là đúng nhất.

Trong khi phiên dịch và hiệu đính, chúng tôi đã lượt bỏ bớt những đoạn trích dẫn các sách của Trung Quốc mà chúng tôi cho là quá rườm và không chính xác. Chúng tôi lại bỏ bớt một số thơ văn không có nghĩa lý gì về mặt địa lý.

Hai bản chép tay Đại Nam nhất thống chí của Thư viện Viện Sử học đều không chép số thứ tự các quyển. Bản ký hiệu A.69 của Thư viện Khoa học có chép số thứ tự các quyển, nhưng sự sắp đặt lại khác sự sắp đặt của hai bản kia. Trong bản dịch này, chúng tôi dựng thứ tự các quyển trong Đại Nam nhất thống chí theo trình tự như sau:

Bắt đầu là Kinh sư đến các tỉnh Hữu trực từ Quảng Bình đến Thanh Hoá, rồi đến các tỉnh Tả trực từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Về Bắc Kỳ và Nam Kỳ, chúng tôi xếp Bắc Kỳ lên trước rồi đến Nam Kỳ. Các tỉnh Bắc Kỳ chúng tôi xếp Hà Nội lên trước rồi đến Ninh Bình là tỉnh thống hạt với Hà Nội, sau đó lần lượt đến các tỉnh đồng bằng, các tỉnh miền núi. Trong khi sắp xếp, chúng tôi chú ý đặt các tỉnh cùng thống hạt liền nhau, tức Nam Định liền với Hưng Yên, Hải Dương liền với Quảng Yên, Bắc Ninh liền với Thái Nguyên, Sơn Tây liền với Hưng Hoá và Tuyên Quang, Lạng Sơn liền với Cao Bằng. Các tỉnh Nam Kỳ thì đặt Gia Định là tỉnh trung tâm, rồi đến Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên theo thứ tự từ đông sang tây. Sau hết đến Thủy Xá, Hỏa Xá là miền Tây Nguyên ngày nay.

Ở sau các quyển Quảng Ngãi, Vĩnh Long và Thủy Xá, Hỏa Xá, chúng tôi phụ chép những tài liệu về quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Côn Lộn và về Thủy Xá, Hỏa Xá lấy trong các sách địa chí khác để bổ sung cho Đại Nam nhất thống chí. Cuối cùng chúng tôi thêm một mục “Các dòng sông lớn của nước ta” căn cứ theo sách Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng với mục đích giúp các bạn đọc tìm hiểu về các dòng sông được dễ dàng.

Đại Nam nhất thống chí dù của Thư viện Viện Sử học hay của Thư viện Khoa học đều là sách chép tay. Do đó có nhiều chỗ sai lầm. Đã thế, trong sách lại có rất nhiều tên đất, tên thổ sản mà các sử thần trong Quốc sử quán của nhà Nguyễn không chép các tên đất, tên thổ sản theo tiếng Việt, mà lại dịch ra chữ Hán. Thí dụ Đầm Nát được viết thành Toái Đàm, Ngã ba Nhà Bè thành Phù Gia tam giang khẩu, Vũng Tàu thành Thuyền Áo, Bến Nghé thành Ngưu Chử, lúa nếp nghển cổ thành diễn cảnh đạo, lông cu ly thành kim mao cẩu cốt v.v...

Trong số các tên đất, tên thổ sản ấy, có tên chúng tôi tìm ra tiếng Việt để dịch, có tên không tìm ra được.

Về các chỗ sai lầm, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để sửa chữa. Chúng tôi đã tham khảo các sách như Ô châu cận lục, An Nam chí nguyên, Dư địa chí (của Nguyễn Trãi), Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, Gia Định thông chí, Thối thực ký văn, Hưng Hóa phong thổ chí, Hưng Hóa ký lược, Hoàng Việt địa dư chí, v.v... để sửa chữa càng nhiều càng hay.

Tuy vậy khả năng của chúng tôi rất hạn chế, trong việc phiên dịch tên đất, tên thổ sản ra tiếng Việt cũng như trong việc đính chính các sai lầm mà chúng tôi tìm thấy trong bản chép tay bộ Đại Nam nhất thống chí ký hiệu A.69, và cả trong bộ Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân nữa, chúng tôi tin rằng có thể chúng tôi phạm những sai lầm này hoặc sai lầm khác. Chúng tôi rất mong các bạn đọc chỉ bảo cho.

Trước khi kết thúc lời nói đầu chúng tôi xin nói thêm rằng, Đại Nam nhất thống chí được hai nhà sử học, hán học: Phạm Trọng Điềm phiên dịch từ đầu cho đến cuối và Đào Duy Anh hiệu đính. Hai cụ Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh cũng như bản thân người viết những dòng này đã cố gắng nhiều để bản dịch được chính xác. Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng những sai lầm trong việc phiên dịch một bộ sách lớn như Đại Nam nhất thống chí chắc chắn là có nhiều. Tuy vậy chúng tôi vẫn mạnh dạn đem Đại Nam nhất thống chí ra xuất bản để góp thêm vào công việc nghiên cứu lịch sử dân tộc, đất nước của tổ tiên.

Chúng ta, người Việt Nam, chúng ta yêu đất nước Việt Nam. Chúng ta càng yêu đất nước Việt Nam khi chúng ta hiểu rõ lịch sử đất nước của chúng ta.

Chúng tôi cho tái bản Đại Nam nhất thống chí theo chương trình hợp tác xuất bản giữa Viện Sử học và Nhà xuất bản Thuận Hoá chính là nhằm góp thêm vào công tác làm tăng lòng yêu dấu đất nước của tổ tiên.

VIỆN SỬ HỌC - NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA

Giáo trình khác

Gợi ý cho bạn

Quy luật 37% là gì?
21 Tháng 04

Quy luật 37% là gì?

Thống kê học có nhiều quy luật và hằng số chẳng những rất thú vị mà còn gây ngạc nhiên. Chúng ta đã biết những trị số 0.05 để tuyên bố một khám phá, hay hằng số 1.96 của phân bố chuẩn có ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào. Nhưng có lẽ ít ai biết được quy luật 37%. Đây là một quy luật mới được tái khám phá, nhưng có nhiều ứng dụng trong y khoa, khoa học, tìm nhân viên, thậm chí... tình yêu.

Tỷ Phú Elon Musk Sử Dụng Câu Hỏi Phỏng Vấn Để Phát Hiện Ứng Viên Thật Thà
14 Tháng 08

Tỷ Phú Elon Musk Sử Dụng Câu Hỏi Phỏng Vấn Để Phát Hiện Ứng Viên Thật Thà

Trong quá trình tham gia phỏng vấn nhân sự, tỷ phú Elon Musk đã tiết lộ một chiêu thức hiệu quả giúp ông nhanh chóng nhận ra ứng viên có thái độ thật thà hay chỉ đang nói dối. Với sự sở hữu của nhiều tập đoàn lớn, Elon Musk không xa lạ với quá trình tuyển dụng nhân sự và anh chia sẻ về cách anh tiếp cận trong việc đặt câu hỏi cho các ứng viên.

Tại sao bạn nên ăn chay trường kỳ?
18 Tháng 10

Tại sao bạn nên ăn chay trường kỳ?

Bạn có biết rằng việc ăn chay trường kỳ không chỉ giúp bạn cải thiện sức khỏe, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và động vật? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn những lợi ích tuyệt vời của việc ăn chay trường kỳ, cũng như những mẹo để duy trì thói quen này.

Khổng Tử và Triết Lý Nho Giáo: Nền Đạo Đức Xã Hội Trong Lịch Sử Trung Quốc
27 Tháng 01

Khổng Tử và Triết Lý Nho Giáo: Nền Đạo Đức Xã Hội Trong Lịch Sử Trung Quốc

Là một nhà triết học nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, Khổng Tử và triết lý Nho giáo của ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ không chỉ trong văn hóa Trung Quốc mà còn trên khắp thế giới

Công nghệ Blockchain hỗ trợ trao đổi năng lượng bền vững cho các xe điện (EVs)
03 Tháng 08

Công nghệ Blockchain hỗ trợ trao đổi năng lượng bền vững cho các xe điện (EVs)

Công nghệ Blockchain đang cách mạng hóa cách năng lượng được trao đổi và giao dịch giữa các xe điện (EVs), mở ra con đường cho một tương lai bền vững hơn. Công nghệ đổi mới này cung cấp cơ chế theo dõi và chịu trách nhiệm mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm lượng khí thải carbon toàn cầu.

Tại sao việc đọc sách có thể giúp bạn giảm stress và lo âu?
16 Tháng 04

Tại sao việc đọc sách có thể giúp bạn giảm stress và lo âu?

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, căng thẳng và lo âu trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.

Toàn tập về cách sử dụng ssh
30 Tháng 09

Toàn tập về cách sử dụng ssh

SSH là viết tắt của "Secure Shell," đây là một giao thức mạng được sử dụng để thiết lập kết nối bảo mật giữa hai máy tính và cho phép truy cập từ xa vào máy chủ hoặc thiết bị khác qua mạng

Các loại ớt cay nhất thế giới
01 Tháng 11

Các loại ớt cay nhất thế giới

Bạn có biết rằng ớt cay không chỉ là một gia vị phổ biến trong ẩm thực, mà còn là một nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe? Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn được ớt cay, đặc biệt là những loại ớt cay nhất thế giới. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn một số loại ớt cay nhất thế giới, cùng với độ cay và những thông tin thú vị về chúng.