Người Thái nhóm Tày Mường có các làn điệu dân ca như: Xuổi. Nhuôn. Lăm, nhóm Tày Thanh có các làn điệu như: Khắp (khắp xứ, khắp ơi, khắp ọt ẻo, khắp ăm pin, khắp phả ái), nhóm Tày Mường có các làn điệu như: On, chả lày... Ở phần này chúng tôi xin giới thiệu khái quát về Nhuôn và một số tác phẩm Nhuôn tiêu biểu. Đây là một làn điệu dân ca Thái rất phổ biến, rất được mọi người trong cộng đồng Tày Mường yêu thích. Đồng bào hát Nhuôn trong các cuộc vui như mừng nhà mới, đón dâu, mừng có khách quý, mừng đắp xong mương phai, mừng được mùa, thậm chí hát Nhuôn cả ở trong đám tang để cho hương hồn người chết được nghe hát Nhuôn lần cuối. Trong những cuộc như vậy thường là có uống rượu cần, uống được một tuần rượu là ông già bà cả đã quay sang hỏi đám thanh thiếu niên xem trong nhà có sáo Pi Nhuôn không, đem ra mà thôi cho người ta hát nhuôn. Lập tức sáo được mang đến và tiếng hát cất lên. Cả sàn nhà lắng nghe lặng phắc, lời Nhuôn đưa tâm hồn người vào thế giới của tình cảm, tâm linh, làn điệu Nhuôn đưa lòng người đi vào các cung bậc rung cảm của cảm xúc, chỉ đến khi người hát xuống giọng, kết thúc một đoạn Nhuôn, thì mọi người mới ồ lên tán thường, người đánh trống thì nện một chặp “tùng, tùng, tùng...!". Khi người hát Nhuôn hát tiếp thì mọi người lại lắng nghe. Cứ thế, cuộc hát Nhuôn xen kẽ giữa các tuần rượu cần, kéo dài cho đến lúc chum rượu nhạt, hoặc tối ngày, hoặc sáng đêm, tuỳ thời vụ ruộng rẫy hoặc tính chất của cuộc hát. Nếu không bị thời vụ nông nghiệp câu thúc, hoặc người hát là Mó (Hó) Nhuôn (tức là nghệ sĩ dân gian) thì một buổi hát Nhuôn là quá eo hẹp. Về hình thức một cuộc hát Nhuôn, về nội dung, nghệ thuật của lời hát Nhuôn, xin xem những phần tiếp theo.