Với mục đích lấy học sinh, sinh viên là trung tâm của phương pháp đào tạo đồng thời hưởng ứng việc biên soạn sách giáo khoa trong Dự án Giáo dục đại học của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Bộ Y tế. Bộ môn Y học cổ truyền cơ sở - Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã biên soạn cuốn sách “Y lý Y học cổ truyền" cho đối tượng là sinh viên đại học - Chuyên ngành Y học cổ truyền với mục tiêu cung cấp những kiến thức cơ bản, kinh điển của Y học cổ truyền dựa trên nền tảng triết học phương Đông mà vẫn không tách rời tư tưởng và kiến thức của khoa học hiện đại.
Cuốn sách được cấu trúc thành 04 chương với các nội dung cơ bản sau đây:
Chương 1. Giới thiệu lịch sử Y học cổ truyền Việt Nam
Giới thiệu những bước phát triển của Y học Việt Nam qua các triều đại cũng như những tác phẩm kinh điển của các y gia.
Chương 2. Giới thiệu các học thuyết cơ bản làm nền tảng lý luận cho Y học phương Đông nói chung và cho Y học cổ truyền Việt Nam nói riêng gồm:
Học thuyết Âm - Dương, Ngũ hành, Thiên Nhân hợp nhất: Trình bày mỗi tương quan và cách vận dụng chúng để giải thích các chức năng Tạng - Phủ, cơ chế bệnh sinh và các phương pháp phòng - trị bệnh.
Y dịch: Trình bày mỗi tương quan và cách vận dụng Dịch lý và Dịch số để giải thích các chức năng Tạng - Phủ, cơ chế bệnh sinh và các phương pháp phòng - trị bệnh.
Chương 3. Các cơ sở lý luận gồm:
Học thuyết Tạng tượng: Trình bày 6 cặp hệ thống chức năng sinh lý trong mối tương quan mật thiết với nhau cũng như các biểu hiện bệnh lý khi chúng rồi loạn.
Học thuyết Tình - Khí - Thần - Tân - Dịch: Trình bày các thành phần cơ bản trong cơ thể con người với nguồn gốc, chức năng và những biểu hiện lâm sàng khi các thành phần này bị rối loạn.
Học thuyết Kinh lạc: Giới thiệu 12 chính kinh trong mỗi tương quan sinh lý và bệnh lý
Nguyên nhân bệnh: Giới thiệu các nguyên nhân và cơ chế gây bệnh theo quan niệm của Đông y.
Chương 4. Phần ứng dụng gồm:
Tứ chẩn: Trình bày 04 phương pháp khám bệnh trong Y học cổ truyền
Bát cương: Trình bày 08 hội chứng trong Y học cổ truyền
Bát pháp: Trình bày 08 phương pháp chữa bệnh của Y học cổ truyền.
Cuối mỗi bài là phần ôn tập có đáp án đi kèm dưới dạng câu hỏi nhiều chọn lựa (MCQ) nhằm đánh giá kiến thức và khả năng phân tích, lý luận của học viên. Riêng đối với 2 bài "Học thuyết Kinh lạc" và "Y dịch” do vì nội dung mang tính phổ quát và đại cương, học viên sẽ được thảo luận tại lớp dưới sự hướng dẫn của giảng viên phụ trách.
Vì đây là sách nhập môn Y học cổ truyền, do đó có nhiều danh từ thuật ngữ Hán - Việt và chuyên ngành mà Ban biên soạn của chúng tôi không thể giải thích tất cả trong nội dung của cuốn sách, nên chúng tôi đề nghị các học viên có thể tham khảo theo tài liệu: Nguyễn Thiện Quyến - Nguyễn Mộng Hưng. Từ điển Đông y học cổ truyền. Nhà xuất bản Khoa học & Kỹ thuật 1990.
Cuốn sách này là kết quả của một sự tổng hợp có chọn lọc từ bài giảng Y học cổ truyền của Bộ môn Y học cổ truyền - Đại học Y Hà Nội và Y lý cổ truyển của Bộ môn Y học cổ truyền cơ sở - Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cùng với những tài liệu khảo cứu khác. Tuy nhiên trong quá trình biên soạn không thể không có sai sót, do đó chúng tôi rất mong được sự góp ý của quý đồng nghiệp và quý anh chị học viên.
THS. NGÔ ANH DŨNG
Trưởng Bộ môn
Y học cổ truyền cơ sở