Ở Việt Nam, Thân mềm (Mollusca) biển là nguồn lợi sinh vật lớn đứng thứ hai sau cá biển, vì vậy nghiên cứu động vật Thân mềm biển là mối quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Đến nay, chúng ta đã xác định được khoảng 2200 – 2500 loài Thân mềm phân bố ở biển Việt Nam. Trong số này có khoảng trên 1000 loài động vật Thân mềm thuộc lớp Hai mảnh vỏ (Bivalvia). Giá trị kinh tế của các loài Thân mềm được xem xét dưới các góc nhìn đa chiều như Thân mềm có giá trị làm thực phẩm, làm đồ mỹ nghệ, làm dược phẩm,...
Ở nước ta, vấn đề nghiên cứu nguồn lợi Thân mềm mới chỉ dừng lại ở mức độ định tính như nghiên cứu về thành phần loài, phân bố. Lượng hoá cụ thể giá trị của nguồn lợi Thân mềm còn rất khiêm tốn, chưa tiếp cận với trình độ nghiên cứu đa dạng Thân mềm biển của khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất, nuôi trồng và bảo tồn Thân mềm ở nước ta. Sức ép môi trường cũng ngày càng gây ra những thiệt hại to lớn đối với đa dạng sinh học biển nói chung và Thân mềm biển Việt Nam nói riêng. Theo các thống kê chưa đầy đủ trong vòng 30 năm trở lại đây, nguồn lợi Thân mềm ngoài tự nhiên luôn bị suy giảm. Ví dụ Ngao dầu (Meretrix meretrrix) giảm từ 15.000 tấn xuống còn 5.000 tấn/năm (ở khu vực Nam Định), nguồn lợi Bào ngư (Haliotis) ở Bạch Long Vĩ gần như chỉ còn tồn tại trong các khu vực khoanh vùng bảo vệ. Các nguồn lợi Thần mềm Hai mảnh vỏ khác như Vẹm xanh (Perna), Ngán (Dosinia), Sò (Anadara) cũng giảm sút một cách đáng kể. Các nghiên cứu về đa dạng sinh học và nguyên nhân gây ra sự giảm sút đa dạng cũng như nguồn lợi của Thân mềm biển Việt Nam đang là vấn đề cần được giải quyết một cách khoa học hơn. Đặc biệt cần có các nghiên cứu cụ thể nhằm xác định trữ lượng, sản lượng khai thác và đề xuất mô hình khai thác hợp lý, phục hồi và phát triển nguồn lợi, bảo vệ tính đa dạng của các đối tượng Thân mềm biển Việt Nam, một trong những tiềm năng nguồn lợi hải sản quan trọng nhất của nước ta. Để góp phần nghiên cứu nhóm Thân mềm biển Việt Nam, tập thể tác giả giới thiệu cuốn sách Lớp Thân mềm Hai mảnh và (Bivalvia) kinh tế biển Việt Nam.
Nội dung của cuốn sách nhằm cập nhật đầy đủ và có hệ thống về phân loại học lớp Bivalvia biển Việt Nam. Mô tả các đặc điểm phân loại, giá trị sử dụng của 143 loài Thân mềm Hai mảnh vỏ thường gặp ở biển Việt Nam.
Cuốn sách có sử dụng một số tài liệu, hình ảnh minh họa đã được công bố của nhiều tác giả trong và ngoài nước, đồng thời nhận được sự hỗ trợ kinh phí xuất bản của Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ và sự hỗ trợ kết quả nghiên cứu nguồn lợi của đề tài KC09.07/11 – 15. Tập thể tác giả trân trọng cám ơn các đóng góp đã nêu trên và hy vọng cuốn sách sẽ góp phần vào việc tra cứu phân loại nhóm sinh vật quan trọng này ở biển nước ta.