Một trong những thành tựu ngày càng sâu sắc hơn của khoa học hiện đại là sự khám phá rằng thân và tâm không tách biệt và độc lập, mà đúng hơn là cùng một thực thể được nhìn từ hai góc độ khác nhau. Descartes đã sai lầm trong việc tách rời thân và tâm, và y học phương Tây đi theo quan điểm của ông đã sai lầm tương tự trong việc xem nhẹ ý nghĩa những trạng thái tinh thần của bệnh nhân đối với điều kiện sức khỏe của họ.
Một dấu hiệu về sức mạnh liên kết giữa thân và tâm - được tìm thấy trong sự phân tích hơn một trăm cuộc nghiên cứu về mối liên kết giữa những cảm xúc và sức khỏe - là những người bị phiền não kéo dài, cho dù đó là sự lo sợ, bồn chồn, thất vọng, bi quan, hay giận dữ, thù hận, đều sẽ có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao gấp hai lần trong những năm sau đó so với tỷ lệ trung bình thông thường. Hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng là 60%; những cảm xúc phiền não dai dẳng làm gia tăng đến 100%. Nếu so sánh với việc hút thuốc, những cảm xúc phiền não làm gia tăng nguy cơ cho sức khỏe gần gấp đôi.
Những nhà nghiên cứu trong lãnh vực khoa học mới về khoa tâm thần kinh miễn nhiễm học (Psychoneuroimmunology), một ngành khoa học nghiên cứu về mối liên kết sinh học giữa tâm trí, não bộ và hệ thống miễn nhiễm, đã nhanh chóng lấp đầy những cơ cấu thiếu sót liên kết giữa thân và tâm. Họ phát hiện trung tâm cảm xúc của não bộ không chỉ liên kết chặt chẽ với hệ thống miễn nhiễm mà còn với cả hệ thống tim mạch. Khi chúng ta bị căng thẳng tâm lý kéo dài - như khi cơ thể liên tục bị đẩy vào trạng thái “phải đương đầu hay trốn tránh”, khiến tiết ra những nội tiết tố căng thẳng -, điều này sẽ làm yếu đi khả năng của hệ miễn nhiễm chống lại virus và ngăn chặn bệnh ung thư, thậm chí làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim làm cho cơ thể phải báo động. Kết quả cuối cùng là làm gia tăng sự dễ bị tổn hại bởi đủ loại bệnh.
Ngược lại, một tâm thức an bình với chính nó sẽ bảo vệ sức khỏe cơ thể. Nguyên lý này là căn bản của y học cổ truyền Tây Tạng, một hệ thống cổ xưa không bao giờ đánh mất cái nhìn về mối liên kết trọng yếu giữa thân và tâm.
Ngài Tulku Thondup, một vị thầy lỗi lạc thuộc phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng, đã chắt lọc cho người phương Tây phần tinh chất của cách thức có được sức khỏe trong nền văn hóa của Ngài, không chỉ cho thân thể và trí óc, mà cả cho phần tâm linh nữa. Ngài chỉ rõ là cả ba yếu tố đó liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi chúng ta có thể “tháo lỏng những trói buộc của sự bám chấp” tới một mức độ nào đó - nghĩa là buông bỏ những mối bận tâm nhỏ hay lớn đã làm hạn chế và đóng khung tầm nhìn của chúng ta - và thay vào đó là thư giãn trong cảm thức rộng lớn, rỗng rang hơn của chính ta và trong chỗ ở thực sự của ta trong vũ trụ, khi đó ta sẽ có thể khôi phục năng lực chữa lành thương tổn của tâm.
Ngài Tulku Thondup trao cho chúng ta nhiều hơn một khuôn khổ lý thuyết để đạt được sự khỏe mạnh: Ngài cho chúng ta những phương pháp thực hành đã được chứng minh trong thực tế qua nhiều thế kỷ ở Tây Tạng. Và khi làm việc đó, Ngài đã phác thảo một biện pháp hướng về việc chữa lành không chỉ thân thể, trí óc và tâm linh, mà còn cả tâm hồn nữa. Như thế, con đường chữa lành này là một sự tu tập tâm linh, một phương thức để chuyển hóa ngay chính cuộc sống của chúng ta.
DANIEL GOLEMAN