Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của chúng ta gặp một trở ngại mới đó là sự gây hại của nhóm nhện hại cây ngày một gia tăng. Nhóm nhện hại cây hay còn gọi là bét hại cây nằm trong bộ Ve bét (Acarina), lớp hình Nhện (Arachnida) - một lớp rất gần gũi với lớp Côn trùng (Insecta).
Rất nhiều loại cây trồng bị nhện hại gây hại đáng kể như bông, chè, cam, chanh, quýt, bưởi, nhãn, vải, đậu đỗ, cà chua, khoai tây, cây hoa (thược dược, hoa hồng), nhiều loài cây làm thuốc, cây cảnh,... Chúng dùng kìm chích vào mô cây hút dịch cây làm cho cây còi cọc, làm chết điểm sinh trưởng, rụng lá, hoa và quả, v.v... Ngoài tác hại trực tiếp, một số loài nhện hại còn truyền các bệnh virut nguy hiểm cho cây. Theo thống kê tại một số nước, thiệt hại đối với cây táo có thể lên tới 50 - 60%, lê: 90%, dâu tây, 40-70%. Chỉ tính riêng các nước trồng sắn tại châu Phi hàng năm thiệt hại ước tính là 1,8 tỷ đô la Mỹ. Chúng là một trong các nguyên nhân làm trầm trọng thêm nạn thiếu đói ở lục địa này. Tại Đài Loan nhện hại lúa đã làm 20 - 60 % hạt bị lép trên diện tích 19.000 ha... Một số trường hợp nhện hại là đối tượng gây hại quan trọng nhất trên cây trồng.
Do cơ thể của nhện hại cây rất nhỏ, thường không nhìn thấy bằng mắt thường và vết gây hại của chúng nhỏ li ti nên thời kỳ gây hại ban đầu không thể phát hiện được. Khi có điều kiện thuận lợi như nhiệt độ và ẩm độ phù hợp, thức ăn phong phú và nhất là sự thiếu vắng nhóm kẻ thù tự nhiên, nhện hại cây dễ bùng phát số lượng với mật độ quần thể rất cao từ vài chục tới vài trăm, vài nghìn cá thể trên một bộ phận của cây như lá, cành hoặc quả. Toàn bộ thời gian từ lúc chúng xuất hiện đến khi có triệu trừng gây hại điển hình xảy ra trong vòng 1-2 tuần. Việc bùng phát số lượng của nhện gây nên hiện tượng cháy lá, chết điểm sinh trưởng thường hay xẩy ra đối với những cây trồng sử dụng quá nhiều chất hóa học đặc biệt là thuốc trừ sâu.
Mặc dù người sản xuất có hiểu biết nhất định trong thâm canh nhưng thường không xác định đúng được sự gây hại, chưa xác định được đối tượng gây hại. Hậu quả của nhện hại cây gây ra thường bị nhầm là do nắng hạn làm cho cây bị cháy sém, hoặc rám. Thậm chí rất nhiều trường hợp nhấm lẫn với bệnh virut. Do không xác định được đối tượng gây hại, hơn nữa nhóm nhện hại cây với cấu tạo cơ thể và phương thức sống khác với nhóm côn trùng mà đại đa số nông dân đã hiết, nên hầu hết các loại thuốc trừ sâu hiện nay không có hiệu quả diệt nhện hại. nhiều trường hợp phun thuốc để trừ sâu hại lại kích thích quần thể nhện hại phát triển.
Rõ ràng việc thiếu thông tin và phương tiện quan sát (như kính lúp có độ phóng đại cao) nên người sản xuất kể cả các cán bộ bảo vệ thực vật cấp cơ sở không biết tới nhóm gây hại quan trọng này, vì thế không thể tiến hành phòng chống hợp lý đối với chúng được. Chắc chắn sự thâm canh cây trồng ngày một cao sẽ kéo theo tác hại ngày một nhiều của nhóm nhện hại cây.
Với cuốn sách nhỏ này chúng tôi muốn cung cấp thêm cho người sản xuất, sinh viên các trường nông nghiệp và cán bộ bảo vệ thực vật cơ sở những thông tin cơ bản về một số loài nhện hại cây chính và phương pháp phòng chống nhện hại hiện nay ở nước ta.
Do trình độ và thời gian hạn chế, nên trong biên soạn không tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc và đồng nghiệp.