Ai học chữ Hán đều viết được chữ Hán, đó là điều hiển nhiên, nhưng từ viết được đến viết đúng và đẹp là một quá trình, là một khoảng cách. Muốn rút ngắn khoảng cách này phải học tập phương pháp, kinh nghiệm của các nhà thư pháp.
Dưới cặp mắt tinh tế của nhà thư pháp, gọi bút của người viết không đúng cách là bệnh bút. Đúng hơn là chữ bị bệnh, què quặt, mất cân đối, thiếu sinh khí. Quyển sách này góp phần nhỏ giúp các bạn học chữ Hán, viết chữ Hán với cây bút mạnh khỏe, cường kiện, viết đúng đến viết đẹp về thể chân thư và hành thư, công cụ là bút sắt. Chân thư là thể chữ ngay ngắn, chân phương, hành thư là thể chữ viết nhanh, phóng túng. Bút sắt là công cụ để viết hiện đại, thông dụng, bạn có thể viết chữ Hán bất cứ ở đâu, lúc nào, không phải bày mực tàu, giấy bản như viết bằng bút lông. Tuy bút sắt có nhiều hạn chế, không viết được các nét đậm nhạt, chấm phá, điểm xuyết như bút lông nhưng bút sắt vẫn có những sở trường nhất định, người kiên tâm tập luyện vẫn tạo nên những tác phẩm nghệ thuật.
Sách giúp các bạn có cái nhìn khái quát về văn tự Trung Quốc, điều kiện cần cho người nhập môn chữ Hán và thư pháp. Sách cung cấp khá đầy đủ các phương pháp viết chân thư và hành thư. Từ phương pháp viết điểm, viết nét, viết các bộ đến sự biến hóa của các nét và các quy tắc viết đẹp. Sách cũng giới thiệu với các bạn các câu chuyện thú vị về văn tự và thư pháp, đồng thời các bạn có thể tiếp xúc với các tác phẩm thư pháp, các thể chữ đẹp và lạ, tạo thêm niềm hưng phấn, tự tin trong quá trình rèn luyện.
Như các bạn đã biết : Thư pháp là nghệ thuật độc đáo, dậm đà tính truyền thống của Trung Quốc, mục đích làm tôn vẻ đẹp thị giác của chữ viết. Người viết thâm nhập vào hiện thực phong phú của các nét chữ và làm sống lại cả sự vận động có hình dáng và sức mạnh tưởng tượng. Khi thực hiện nghệ thuật thư pháp, người ta tìm thấy chất người sâu lắng, đạt đến sự thống nhất chính mình trong khi diễn tả các sự vật.
Bàn về cái đẹp trong nghệ thuật thư pháp, người ta đề cập đến khái niệm: hình, thần, ý và tâm. Hình hay hình thể là hình đáng của chữ; thần hay thần thái là tinh thần, tự phát linh ra từ chữ. Tác phẩm thư pháp đạt trình độ cao, ảo diệu là đạt cả hình và thẩn. Như một họa sĩ vẽ người không chỉ giống người được về, là hình, mà còn thể hiện được tinh thần, khi phách của người được vẽ, đó là thần. Thần là tiêu chuẩn thẩm mĩ của thư pháp cũng như họa. Các nhà thư pháp cũng nhắc đến ý và tâm, hay bút ý, bút ý đi trước, văn hay chữ theo sau, tâm và tay hòa quyện với nhau, không có kẽ hở mới tạo nên được tác phẩm nghệ thuật thư pháp.
Nói chung, học thư pháp phải luyện viết, luyện tay kiên trì tức là nặng. Thời gian học thư pháp cũng là dịp lắng trong tinh thần: luyện ý, luyện tâm là lấy lại sự cân bằng, sau những giờ vất vả. Trên tinh thần không gấp mà nhanh, không đi mà đến, từ viết đúng đến viết đẹp có thẩn, biến hóa đến mức diệu. Năng, thần, diệu vừa là tiêu chuẩn phân loại tác phẩm nghệ thuật thư pháp vừa là kết quả của từng giai đoạn luyện tập. Đó là niềm vui mà người sưu tầm, biên soạn sách tặng các bạn. Trong quá trình sưu tầm biên soạn chắc không tránh được thiếu sót mong quý bạn thông cảm.
Chúc các bạn tìm được sự hứng thú và bổ ích trong khi luyện tập.