Giữa năm 1975, Ty Văn hóa thông tin cùng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình phát động cuộc thi sưu tầm văn nghệ dân gian trong toàn tỉnh. Một số bài dự thi đã được giới thiệu rải rác trong phần văn nghệ dân gian trên các số Sáng tác Thái Bình vài năm liền sau đó.
Từ đầu năm 1976, Ty Văn hóa thông tin lại cử cán bộ chuyên trách xuống các địa phương trong tỉnh trực tiếp sưu tầm văn nghệ dân gian. Sau 5 năm, với kết quả sưu tầm bước đầu chúng tôi tuyển chọn các phần: Phương ngôn, Tục ngữ. Ca dao, Dân ca, Vè, Giáo trò múa rối nước. Văn chương chèo xuất hiện và lưu truyền ở Thái Bình trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, in thành một tập, gọi là Văn học dân gian Thái Bình (Tập 1) được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1981, Phạm Đức Duật biên soạn chính và làm chủ biên. Thực chất đó là phần Thơ ca dân gian.
Phần Truyện và Truyền thuyết gọi chung là tự sự dân gian do phải xử lý những vấn đề phức tạp trong khâu chỉnh lý, nên chúng tôi dự định sau khi hoàn chỉnh sẽ tiếp tục công bố vào những năm sau đó.
Giữa năm 1986, tôi (P. Đ.D) được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình điều sang làm công tác quản lý tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, công việc làm tập hai bị gián đoạn hơn 25 năm qua.
Sau khi nghỉ hưu, tôi đã hoàn thành phần tư liệu có sự cộng tác của Phạm Thị Nết về Truyền thuyết và Nam Tuấn về Truyện trạng. Để hoàn thành trọn vẹn hơn chúng tôi đã chỉnh sửa bổ sung thêm cho tập Văn học dân gian Thái Bình lần này có thêm mục Đồng Dao, Câu đố, và Về Thế sự cùng tư liệu phần hai làm thành văn bản sách Văn học dân gian Thái Bình đăng ký tài trợ năm 2011, Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam. Riêng phần Giáo trò rồi nước đã có trong sách Nghệ thuật múa rối nước Thái Bình, Ty Thông tin văn hóa Thái Bình xuất bản năm 1977, chúng tôi không tuyển vào đây nữa. Phần Dân ca nên có cả lời và nhạc, sẽ in vào dịp khác, do đó cũng không tuyển vào đây.
Sưu tầm văn học dân gian truyền thống lưu truyền ở Thái Bình, chúng tôi dựa theo hai nguồn tư liệu chính:
1- Dựa vào mạng lưới cộng tác viên ở các địa phương khai thác qua lời kể của nhân dân trong tỉnh.
2- Khai thác từ các sách chữ Nôm, do các nhà Nho Thái Bình viết, có chép sáng tác dân gian.
Về sách chữ Nôm có chép sáng tác dân gian, chúng tôi sưu tầm được gần chục cuốn. Nhưng những cuốn chúng tôi dùng để khai thác và đối chiếu với lời kể thì đáng chú ý nhất là:
- Phương ngôn quốc âm tập lục, ký hiệu HN.18 của Thư viện Khoa học Tổng hợp Thái Bình.
Nam Phong giải trào của Hội Đông y huyện Vũ Thư.
- Tạ tộc kỷ niệm văn của gia đình cụ Tạ Đình Thâm, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải.
Đặc biệt chúng tôi chú ý nhất là cuốn Phương ngôn ký lược của cụ Thái Xương Lăng, huyện Tiền Hải biên soạn năm 1969, do một số cố lão trong vùng nhớ được kể lại.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo những công trình nghiên cứu, biên soạn của các Nhà xuất bản Trung ương và các tỉnh bạn để làm khảo đính.
Đây là tập sách tương đối phong phú về sáng tác gồm các thể loại văn học dân gian sáng tạo, lưu truyền ở Thái Bình, cho nên chúng tôi giành phần đầu giới thiệu Mấy nét về văn học dân gian Thái Bình nhằm qua đó giúp bạn đọc hiểu một cách khái quát về địa phương Thái Bình nói chung và những giá trị tư tưởng nghệ thuật của văn học dân gian Thái Bình nói riêng. Phân thứ hai bao gồm toàn bộ những câu phương ngôn - tục ngữ, ca dao, đồng dao, câu đố, vè sưu tầm được, văn chương chèo, những truyền thuyết lịch sử, truyện ngụ ngôn, giai thoại, truyện cười, truyện cổ tích, truyện trạng được chọn lọc, chú thích và sắp xếp theo trình tự. Với phương ngôn, tục ngữ và ca dao, chúng tôi phân loại và sắp xếp theo chủ đề.
Còn với đồng dao, câu đố, vè, văn chương chèo, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, giai thoại, truyện cười, truyện cổ tích, truyện trạng, chúng tôi xếp theo thể loại. Tuy nhiên, việc phân loại này và sắp xếp chỉ mang tính hợp lý, tương đối.
Tập sách được ra mắt bạn đọc, chắc chắn vẫn còn thiếu sót, chúng tôi mong được các nhà nghiên cứu, các bạn cộng tác, cùng bạn đọc rộng rãi trong và ngoài tỉnh đóng góp ý kiến. Chúng tôi chân thành cám ơn Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cùng quý bạn đọc xa gần./.
Người biên soạn