Văn học cổ truyền là sáng tác của tập thể nhân dân, là nơi hội tụ tinh hoa mọi mặt của quần chúng lao động qua trường kì lịch sử. Mỗi dân tộc trên mảnh đất Việt Nam đều có một nền văn học cổ truyền của riêng mình, sản phẩm tinh thần ấy hình thành và phát triển từ xa xưa, được lưu truyền cho đến ngày nay. Chúng tạo thành một nền văn học truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam phong phú và sinh động.
Dân tộc Dao thuộc nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Họ thường tập trung sinh sống ở những tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La,... Tìm hiểu về văn hóa dân tộc Dao, có rất nhiều chuyên luận, công trình, sách báo đã nghiên cứu về vấn đề này, nhưng hầu hết các công trình nghiên cứu mới dừng lại ở mức độ giới thiệu khái lược. Có thể điểm qua một số công trình sau: Thế kỉ XVIII nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) có tác phẩm “Kiến văn tiểu lục”; Tiến sĩ Hoàng Bình Chính có tác phẩm “Hưng Hóa xứ - Phong thổ lục” (1778); và nhà sử học Phạm Thận Duật có tác phẩm "Hưng Hóa kỷ lược” (1856). Các học giả này chỉ đề cập rất khái lược về dân tộc Dao và một số phong tục tập quán của người Dao, chưa nghiên cứu sâu về các tập tục trong văn hóa Dao.
Vào đầu thế kỉ XX, đã có một số nhà nghiên cứu người Pháp tìm hiểu về người Dao, tiêu biểu là nhà nghiên cứu A.Bofinacy, vốn là một sĩ quan quân đội Pháp đóng ở vùng thượng du Bắc Kỳ. Ông sống trong khu vực cư trú của người Dao nên đã nghiên cứu và xuất bản chuyên khảo “Một chuyến điền dã vùng đất người Mán” năm 1901. Tuy nhiên chuyên khảo này cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu mang tính sơ lược về dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Dao.
Từ những năm 1970 trở lại đây có khá nhiều các nhà khoa học nghiên cứu về người Dao ở Việt Nam. Tiêu biểu trong đó có Triệu Hữu Lý với các tác phẩm về truyện thơ của người Dao như: “Tín ca", "Bàn Vương ca”, “Truyện Đặng Hành và Bàn Đại Hộ”, “Bình Hoàng Khoán Điệp"; các nhà nghiên cứu Bế Viết Đẳng - Nguyễn Khắc Tụng - Nông Trung - Nguyễn Nam Tiến với công trình “Người Dao ở Việt Nam"; Trần Quốc Vượng với tác phẩm "Quá Sơn Bảng văn", nghiên cứu về nguồn gốc người Dao ở Việt Nam với các đợt di cư từ Trung Quốc đến Việt Nam. Gần đây nhất có các công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Hữu Sơn với các tác phẩm “Lễ cưới người Dao tuyển" (2002), “Tục ngữ câu đố Dao” (2001), “Thơ ca dân gian người Dao Tuyển” (2005). Cùng với đó, các chuyên khảo của nữ Tiến sĩ người dân tộc Dao Bàn Thị Quỳnh Dao (và một số tác giả) như Dân ca nghi lễ của người Dao Tuyển (2017), Thơ Bàn Tài Đoàn - Tiếng nói tâm hồn đích thực người Dao (2012), Dấu ấn văn hóa Tày trong tiểu thuyết Vì Hồng (2016), Tín ngưỡng của người Dao tuyển trong dân ca nghi lễ vòng đời (2018)... cũng đã góp phần vào việc phục dựng bức tranh văn hóa độc đáo của người Dao.
Nhà thơ dân tộc Dao tiêu biểu Bản Tài Đoàn (Bài Tài Tuyên) sinh ra và lớn lên tại tỉnh Cao Bằng đã sáng tác 13 tập thơ, với một số tập nổi bật như Một giấc mơ (1964), Kể chuyện đời (1968), Tháng Tám đổi mới (1971), Rừng xanh (1973), Sáng cả hai miền (1975), Gửi đồng bào Dao (1979), Nơi ta ở (1979). Thơ của ông mang đậm hơi thở vùng sơn cước. Bản sắc văn hóa dân tộc Dao được phản ánh rất rõ trong thơ ca của ông qua hình ảnh thiên nhiên và các phong tục tập quán như cưới hỏi, lễ tết, tang ma,... Bản Tài Đoàn là người có công lớn trong việc đặt nền móng cho thơ ca dân tộc Dao thời kỳ hiện đại nói riêng và văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại nói chung.
Từ các công trình đã đọc, chúng tôi nhận thấy: Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về truyện cổ dân tộc Dao từ góc nhìn văn hóa. Dân tộc Dao mặc dù được tìm hiểu nhiều qua các công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo nhưng các tác giả chủ yếu tập trung khai thác ở mảng thơ ca dân tộc Dao. Truyện cổ dân tộc Dao được các tác giả khai thác nhưng chỉ ở mức sưu tầm và dịch thuật các câu chuyện mà chưa nghiên cứu đặc điểm cụ thể của từng truyện cổ để làm nổi bật đặc điểm tiêu biểu của văn hóa dân tộc Dao.