Đan lát là một nghề thủ công có truyền thống lâu đời và đến nay còn duy trì ở một số gia đình người Cống ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Trước đây, giống như các dân tộc khác ở miền núi, trong điều kiện tự nhiên của nền kinh tế tự cung, tự cấp, những sản phẩm đồ đan do người Cống làm ra chủ yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu của chính họ, chỉ có một số ít được dùng vào việc trao đổi với các dân tộc láng giềng.
Sản phẩm đan lát của người Cống đa dạng và phong phú, được sử dụng trong đời sống hằng ngày, các dịp lễ tết, ma chay. Nghề đan lát để tạo ra các sản phẩm mây tre đan phục vụ đời sống và sinh hoạt của người Cống ở Mường Tè, tỉnh Lai Châu không chỉ thể hiện sự khéo léo, tính nghệ thuật của người tạo tác mà còn phản ánh mối quan hệ địa văn hóa cũng như sự thích ứng giữa con người với môi trường và thiên nhiên nơi đây.
Từ những năm 1990 trở lại đây, dưới tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng tiêu cực đến nghề đan lát. Nguồn nguyên liệu để tạo ra đồ đan ngày càng trở nên khan hiếm, sản phẩm đồ đan được thay thế bằng đồ công nghiệp. Hiện nay, rất ít gia đình người Cống ở huyện Mường Tè còn duy trì nghề đan lát. Nghề mây tre đan của người Cống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, kéo theo sự mất đi những tri thức dân gian trong trong việc khai thác, chăm sóc và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên giúp cho đồng bào có sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa.
Nhằm hiểu rõ hơn về sản phẩm mây tre đan của người Cống cùng những khó khăn thách thức của nghề đan, chúng tôi đã thực hiện cuốn sách Nghề mây tre đan của người Cống ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu với mong muốn và hy vọng rằng, cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc có thêm những hiểu biết về người Cống ở huyện Mường Tè; về những nét văn hóa đặc sắc của họ thể hiện thông qua nghề đan lát mây tre - nghề thủ công truyền thống có vị trí khá đặc biệt trong đời sống của họ.
Để hoàn thành cuốn sách này, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, ban ngành và các cá nhân. Qua đây, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu; Phòng Văn hóa huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; đặc biệt là gia đình ông Chang Văn Thường, bản Nậm Khao; gia đình ông Lò Văn Na bản Táng Ngá... và cư dân người Cống ở các xã trong huyện Mường Tè đã nhiệt tình trả lời những câu hỏi phỏng vấn, cung cấp cho chúng tôi những thông tin vô cùng quý giá để hoàn thành cuốn sách này.
Cuối cùng, tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành tới GS. TS. Nguyễn Xuân Kính đã nhiệt tình động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để cuốn sách được ra mắt bạn đọc.
Để hoàn thành cuốn sách, mặc dù tác giả đã cố gắng, nhưng chắc chắn vẫn còn những thiếu sót. Rất mong nhận được sự lượng thứ và ý kiến đóng góp của bạn đọc.