Trong hoạt động thực tiễn của mình, con người bắt buộc phải tiếp xúc với các biến cố ngẫu nhiên không thể dự đoán trước được. Một lĩnh vực của Toán học có tên là : "Lí thuyết Xác suất" đã ra đời nhằm nghiên cứu các quy luật và các quy tắc tính toán các hiện tượng ngẫu nhiên.
Ngày nay Lí thuyết Xác suất (LTXS) đã trở thành một ngành Toán học lớn, chiếm vị trí quan trọng cả về lí thuyết lẫn ứng dụng. Một mặt LTXS là một ngành Toán học có tầm lí thuyết ở trình độ cao, mặt khác nó được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành KHKT và cả KHXH và Nhân văn. Đặc biệt LTXS gắn liền với khoa học Thống kê, một khoa học về các phương pháp thu thập, tổ chức và phân tích các dữ liệu, thông tin định lượng
Ở rất nhiều nước trên thế giới, LTXS và Thống kê đã được đưa vào giảng dạy ngay từ bậc trung học và là môn cơ sở bắt buộc đối với sinh viên của nhiều ngành học khác nhau ở bậc đại học. Ở nước ta, trong chương trình cải cách, học sinh phổ thông trung học đã được làm quen với LTXS.
Trong quyết định về đào tạo đại cương theo 7 nhóm ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả các nhóm ngành đều có chương trình Xác Suất - Thống Kê với thời lượng ít nhất là 4 đơn vị học trình. Nhiều cán bộ đã ra công tác có nhu cầu phải tự học môn học này.
Cho đến nay các giáo trình, sách tham khảo về Xác suất - Thống kê ở nước ta còn rất ít. Một số sách xuất bản trước đây khá lâu đã không còn phù hợp. Để đáp ứng nhu cầu về giảng dạy, học tập và ứng dụng LTXS, chúng tôi biên soạn cuốn sách này với hy vọng cuốn sách sẽ là một giáo trình có chất lượng, phục vụ cho một đối tượng đông đảo các bạn đọc bao gồm :
1) Các bạn sinh viên cao học, đại học và cao đẳng lần đầu tiên làm quen với LTXS, muốn được trang bị những kiến thức cơ bản nhất của môn học.
2) Các cán bộ nghiên cứu, các thầy giáo ở đại học và phổ thông và tất cả những ai muốn tự học bộ môn này.
Trong khi biên soạn sách này, chúng tôi đã dựa trên chương trình chuẩn về môn LTXS cho 7 nhóm ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng như chương trình chuẩn ở các trường đại học kinh tế, kĩ thuật khác. Chúng tôi cũng đã tham khảo những sách và giáo trình mới nhất về Xác suất của một số nước phát triển.
Phần lớn nội dung cuốn sách đã được chúng tôi thử nghiệm giảng dạy nhiều lần cho sinh viên các khoa Toán, Tin, Hóa, Địa, Sinh, Y.
Để giúp các bạn sinh viên không phải thuộc ngành Toán và các bạn tự học dễ lĩnh hội, chúng tôi đã cố gắng lựa chọn các phương pháp trình bày thật dễ hiểu. Các chứng minh dài được bỏ bớt, dành chỗ cho nhiều thí dụ cụ thể để giúp bạn đọc nắm vững lí thuyết hơn, đồng thời qua đó bước đầu thấy được khả năng ứng dụng rộng rãi của LTXS. Những thí dụ này cũng đóng vai trò như những bài toán chọn lọc để độc giả lấy làm mẫu khi giải các bài tập ở cuối chương. Cuốn sách có gần 100 thí dụ.
Để học Toán Xác suất có kết quả, sinh viên nhất thiết phải giải bài tập, giải được càng nhiều càng tốt. Thành thử ở cuối mỗi chương chúng tôi đưa vào khá nhiều bài tập để độc giả được thử thách rèn luyện và tự kiểm tra. Đa số các bài tập ở mức cơ bản, không phải là các bài quá khó. Mỗi bài tập đều có đáp số và chỉ dẫn để giúp cho các bạn tự học. Cuốn sách gồm có 5 chương và một phụ lục. Chương I, Chương II và Chương III trình bày những kiến thức cơ bản, cốt lõi của LTXS mà mọi chương trình cho các nhóm ngành đều đòi hỏi.
Để nắm được các Chương I và II chỉ yêu cầu kiến thức về Đại số ở trung học, còn đối với Chương III thì cần thêm một chút kiến thức về Giải tích ở trung học và năm thứ nhất bậc đại học. Chương IV và Chương V được biên soạn phục vụ cho các sinh viên thuộc nhóm ngành 1, 2 (Toán, Tin, Vật lí, Hóa, Địa) và kinh tế, ở đó sự chuẩn bị về Toán của họ đầy đủ hơn. Phần phụ lục 1 nhằm giúp độc giả ôn tập lại các kiến thức cơ bản về Giải tích tổ hợp phục vụ cho việc học các chương I, II. Phụ lục 2 là các bảng phân bố nhị thức, Poatxông và chuẩn.
Trong quá trình biên soạn tác giả đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp trong Bộ môn Xác suất Thống kê khoa Toán - Cơ - Tin học, Đại học Quốc gia Hà Nội. Xin chân thành cám ơn những đóng góp đó. Tác giả xin bày tỏ lời cảm ơn đặc biệt tới GS.TS. Nguyễn Duy Tiến, PGS. Nguyễn Văn Hữu, PGS. Lý Hoàng Tú, PTS. Trần Phương Dung PTS. Nguyễn Văn Thường và ông Nguyễn Khắc An, trong việc thẩm định, tổ chức bản thảo và biên tập cuốn sách.
Mặc dù tác giả đã hết sức cố gắng, song cuốn sách vẫn có thể có những thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý phê bình của độc giả.