Bác Hồ muôn vàn kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại nhất của dân tộc ta, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và là người sáng lập, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Suốt cả cuộc đời hoạt động, phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp của Đảng, lợi ích của nhân dân, người chỉ có một ham muốn tột bậc "Mong cho nhân dân có cơm ăn, áo mặc, các cháu được học hành".
Ngay từ năm 1954, sau khi hòa bình lập lại song đất nước vẫn chia làm hai miền Đảng và Nhà nước đã chủ trương phát triển bông ở miền Bắc như xây dựng Trại Nghiên cứu Bông Định Tường - Thanh Hóa và mở các nông trường ở Sơn La, Thái Bình v.v... Song do hạn chế của khoa học kỹ thuật giai đoạn đó, đặc biệt là phòng trừ sâu bệnh hại, con người chỉ bó hẹp trong sử dụng thuốc hóa học nên phòng chống sâu bệnh không hiệu quả, làm bông không có lời, cây bông chưa phát triển.
Sau năm 1975 thống nhất được toàn vẹn đất nước, Đảng ta lại chủ trương tập trung phát triển bông ở các tỉnh phía Nam, dưa nhiều binh đoàn quân đội sang làm bông, thành lập hàng loạt các nông trường mới. Trong suốt gần thập kỷ việc sản xuất bóng vẫn đi theo hướng cũ, phòng trừ sâu bệnh hại vẫn chỉ có biện pháp duy nhất là hóa học nên đã gây đổ vỡ các hệ sinh thái đồng bông, sâu hại bùng phát thành dịch không thể kiểm soát nổi, chi phí cho bảo vệ thực vật quá đắt làm cho giá thành bông cao, mà năng suất vẫn thấp, nông dân trồng bông không có lời.
Gần ba thập kỷ gần đây, cùng với những tiến bộ kỹ thuật về giống bông, IPM trên cây bông và kỹ thuật canh tác bông tiên tiến đã làm cho cây bông có hiệu quả kinh tế cao, nông dân trồng bông có lời nên đã mở rộng diện tích lên 3,5 vạn ha và sản lượng đạt 14,5 ngàn tấn bông xơ đáp ứng 15-20% nguyên liệu cho ngành dệt may.
Với kết quả trên đây, để có thể đáp ứng bông xơ cho ngành dệt may trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương phát triển mạnh hơn nữa với ngành bông theo Quyết định số 17/2002/QĐ-TTg về việc “Định hướng và giải pháp phát triển cây bông công nghiệp thời kỳ 2001-2010". Trong đó mục tiêu nhắm đến năm 2005 diện tích bông phải dạt 115.000 ha, sản lượng 80.000 tấn bông xơ, đảm bảo 50% nhu cầu nguyên liệu của ngành dệt và đến năm 2010 diện tích đạt 230.000 ha, sản lượng 180.000 tấn bông xơ, đáp ứng 70% nguyên liệu trong nước cho ngành dệt. Thực hiện chủ trương của Chính phủ thì song song với việc quy hoạch các vùng bông, các chính sách hỗ trợ cho sản xuất bông, cần thiết phải phổ cập và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đội ngũ khuyến nông và cho nông dân trồng bông. Một thực tiễn không ai dám phủ nhận là “Trồng bông rất dễ, song làm bóng đạt năng suất cao, chất lượng tốt thì không dễ chút nào?".
Tổng kết kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong các lĩnh vực về giống, BVTV, canh tác của ngành bông Việt Nam và với bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghiên cứu và quản lý ngành bông đồng thời trực tiếp lăn lộn chỉ đạo kỹ thuật trên các vùng bông cả nước, tác giả đã biên soạn cuốn sách “Kỹ thuật trồng bông vải ở Việt Nam” dưới dạng phổ thông nhằm cung cấp những luận cứ, những giải pháp kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật khuyến nông tham khảo và bà con nông dân trong các vùng trồng bông áp dụng. Hy vọng đóng góp một phần nhỏ vào sự nghiệp phát triển cây bông vải, tự túc nguyên liệu dệt cho đất nước.
Sách được viết thành 4 chương với số trang hạn chế không có điều kiện để trình bày đầy đủ và trọn vẹn những vấn đề khoa học và thực tiễn sinh động có liên quan đến kỹ thuật trồng bông, sách chỉ dừng lại ở việc trình bày những vấn đề cơ bản nhất, thiết thực nhất.
Chính vì vậy tác giả mong nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, của bạn đọc gần xa. Mọi góp ý đều rất quý và rất được trân trọng. Nhân dịp này tác giả cũng xin chân thành cảm ơn tới các nhà khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và bạn đọc đã góp ý, giúp đỡ tác giả hoàn thành cuốn sách kỹ thuật phổ thông này.
Tác giả