Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bắt đầu từ nửa sau năm 2009 với sự gia tăng mức nợ công của nhóm PIIGS (Bồ Đào Nha, Ailen, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha). Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là do chính sách tài khóa thiếu bền vững cùng với sự mất cân đối trong việc vay nợ của các quốc gia và sự hạn chế trong cơ chế phối hợp điều hành trong khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone). Bên cạnh đó, nguyên nhân khác khiến cuộc khủng hoảng lan rộng và có nguy cơ trầm trọng hơn chính là việc thiếu cơ chế phối hợp ứng phó giữa các quốc gia trong khu vực. Hầu hết các quốc gia đều cố gắng thực hiện những chính sách của riêng mình và khi không thể giải cứu được nền kinh tế mới nhờ đến sự viện trợ của Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế, mà không hề có những cảnh báo sớm với một chiến lược xử lý dài hạn.
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu lan rộng cũng chính là hồi chuông cảnh báo các quốc gia trên thế giới phải đánh giá lại tình trạng ngân sách của mình nhằm nhận định kịp thời nguy cơ khủng hoảng và có biện pháp đối phó, ngăn ngừa kịp thời. Có thể thấy sự tương đồng giữa bối cảnh Việt Nam hiện nay với các quốc gia đang chịu khủng hoảng ở châu Âu. Nợ xấu của Việt Nam xuất phát từ tình trạng suy thoái kinh tế và vỡ bong bóng bất động sản. Vì vậy, cần có sự quan tâm, kiểm soát chặt chẽ nợ công, tránh sự cố xảy ra như các nước châu Âu từng gặp phải.
Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tìm hiểu, nghiên cứu về khủng hoảng nợ công châu Âu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Khủng hoảng nợ công châu Âu và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam do TS. Đặng Hoàng Linh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao biên soạn.
Cuốn sách phác họa bức tranh tổng quan diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, phân tích nguyên nhân, tác động của nó cũng như các đánh giá về hệ thống giải pháp ứng phó của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng. Qua đó, có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về bản chất, mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng nợ công, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trong kiểm soát nợ công và đề xuất chính sách phòng ngừa, đối phó với vấn đề nợ công hạn chế rủi ro khi khủng hoảng xảy ra.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 4 năm 2014
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT