Ở Việt Nam hầm Biogas đã được biết đến từ những năm 1960, nhưng không phát triển được. Tình trạng chung của các chương trình xây dựng thí điểm thời gian đó là sau khi kết thúc dự án thì không những không được phát triển thêm, mà các hầm biogas cũ cũng không được chăm sóc quản lý tốt, do đó nhanh chóng xuống cấp và dần dần suy thoái. Có một số địa phương lúc đầu phát triển tương đối rầm rộ, nhưng sau đó không phát triển, các hầm cũ bị hư hỏng nhiều và do đó phong trào bị lãng quên.
Nguyên nhân chủ yếu là đời sống nhân dân lúc đó còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, nền kinh tế còn nặng bao cấp, chăn nuôi chưa phát triển... Chỉ sau thời kỳ đổi mới, kinh tế nông thôn dần dần phục hồi và khởi sắc. Đời sống văn minh nông thôn với việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ chuồng gia súc và cầu tiêu cũng được chính người dân nông thôn quan tâm hơn bao giờ hết.
Ngày nay, nhờ chủ trương xây dựng nông thôn mới, các phương tiện truyền thông - thông tin phát triển, mà người dân nông thôn biết được các kiểu hầm biogas xây dựng ở nhiều nơi khác nhau. Người biết truyền nghề cho người chưa biết và đặc biệt cũng đã và đang hình thành những nhóm thợ chuyên xây dựng thuê hầm biogas. Đó là một dấu hiệu đáng khích lệ. Nhà nước cũng có một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển và tổ chức hướng dẫn về công tác quản lý bảo đảm cho phong trào xây dựng hầm biogas phát triển bền vững.
Thực tế hiện nay, vấn đề xây dựng hầm biogas tại các vùng nông thôn đang phát triển theo hướng "Xã hội hoá" phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đảm bảo công tác cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Để đảm bảo cho phong trào phát triển bền vững, khuyến khích các hộ nông dân thực hiện vệ sinh môi trường bằng hầm biogas mang lại kết quả về mặt kinh tế - xã hội, tránh tình trạng lãng phí do phải làm đi, làm lại hoặc áp dụng công nghệ không phù hợp. Vì vậy “Nàng cao hiệu quả hầm biogas và sử dụng sản phẩm sau biogas để xử lý môi trường nông thôn” có tính cấp thiết.
Cuốn sách “Giải pháp nâng cao hiệu quả hầm bioga để xử lý môi trường nông thôn” được biên soạn dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu về điều tra, khảo sát các hầm biogas đã được xây dựng ở Việt Nam, các tài liệu nghiên cứu về biogas ở một số nước trên thế giới.
Ngoài ra cuốn sách này còn là tài liệu cần thiết cho các sinh viên chuyên ngành cấp thoát nước, đặc biệt là những sinh viên học môn “Cấp nước và vệ sinh nông thôn".
Khi biên soạn cuốn sách này, ngoài sự giúp đỡ của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - Bộ Xây dựng, các tác giả còn nhận được nhiều ý kiến của các phòng Quản lý Khoa học, Khoa Hạ tầng kỹ thuật đô thị và các bộ môn Cấp nước, Thoát nước. Xin chân thành cảm ơn đóng góp ý kiến phản biện của GS. TS. Hoàng Văn Huệ, PGS. TS. Cù Huy Đấu, TS. Nghiêm Vân Khanh và Nhà xuất bản Xây dựng đã đóng góp lớn trong việc cho ra mắt bạn đọc cuốn sách này. Tuy nhiên do vấn đề kỹ thuật - công nghệ xây dựng hầm biogas đạt được hiệu quả cao hơn cần được tiếp tục nghiên cứu, không chỉ về kỹ thuật, mà còn các khía cạnh kinh tế, xã hội, chính sách, thể chế.... nên trong cuốn sách này chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Các tác giả chân thành mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp và đông đảo bạn đọc.
TẬP THỂ TÁC GIẢ