Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII đã đề ra phương hướng: “Phát triển mạnh các loại cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao; hình thành những vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến tại chỗ. Trồng cây công nghiệp kết hợp với chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc theo hình thức nông lâm kết hợp, coi trọng các biện pháp thâm canh tăng năng suất; áp dụng công nghệ sinh học...". Nhận định trên nói lên sự đặc biệt quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực cây công nghiệp, trong đó có cây chè. Với ưu thế về khí hậu, nguồn tài nguyên đất đai, lao động và sự ưa chuộng của thị trường thế giới, sản xuất chè đã trở thành tập quán canh tác của nông dân Việt Nam và ngày càng khẳng định vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân nói chung cũng như trong sản xuất nông nghiệp nói riêng, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu chè đạt 93 triệu USD, góp phần quan trọng cho việc tạo nguồn vốn bằng ngoại tệ để nhập khẩu vật tư thiết bị phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hoá đất nước. Đây cũng là khu vực đang trực tiếp giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập không nhỏ và kích thích, kéo theo hàng loạt các ngành nghề khác cùng phát triển, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại khác phát triển, thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn Việt Nam.
Mặc dù có nhiều ưu thế và đạt được những thành quả cao, nhưng thực tiễn hoạt động sản xuất và xuất khẩu chè của nước ta nhiều năm qua cho thấy quy mô còn nhỏ, vẫn mang tính chất của một nền sản xuất nhỏ, trình độ sản xuất còn thấp kém dẫn đến năng suất cây trồng thấp, công nghệ chế biến còn lạc hậu. Đầu tư cho sản xuất và xuất khẩu chưa thích hợp, cơ chế quản lý chưa kích thích được sản xuất và kinh doanh, thị trường xuất khẩu mặc dù đã khá đa dạng nhưng chưa vững chắc.
Do đó, phân tích thực trạng và tìm ra những giải pháp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng chè xuất khẩu là một vấn đề mang tính chất thời sự, đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu.
Mục tiêu của cuốn sách này nhằm: Giới thiệu về nguồn gốc và quá trình phát triển cây chè ở Việt Nam; Hệ thống hóa những vấn đề lý luận, xây dựng các chỉ tiêu, các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu; Đưa ra những nhận xét tổng quan về thị trường chè thế giới, rút ra bài học kinh nghiệm từ việc nghiên cứu về sản xuất và xuất khẩu chè của Ân Độ và SriLanka; Đưa ra những dự báo quan trọng về cung, cầu, giá cả đối với mặt hàng chè cho những năm đầu thế kỷ 21. Trên cơ sở đó xây dựng được các nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng chè xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nội dung cuốn sách được chia thành 5 chương:
Chương 1: Giới thiệu về cây chè Việt Nam
Chương 2: Một số vấn đề lý luận về năng lực cạnh tranh
Chương 3: Tổng quan về thị trường chè thế giới
Chương 4: Đánh giá năng lực cạnh tranh của mặt hàng chè xuất khẩu Việt Nam
Chương 5: Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng chè xuất khẩu Việt Nam
Tác giả hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp những thông tin, tư liệu tham khảo bổ ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các thầy cô giáo và các em sinh viên đang nghiên cứu, học tập liên quan đến vấn đề này.
Tác giả xin chân thành cảm ơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại, Trường Đại học Ngoại thương, Phòng quản lý Khoa học, Bộ môn Kinh tế ngoại thương. Đặc biệt là Thạc sỹ Đào Ngọc Tiến, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương đã cung cấp tài liệu và tham gia viết cuốn sách này.
Xin chân thành cảm ơn ý kiến góp ý của bạn đọc để lần xuất bản sau, cuốn sách được hoàn chỉnh hơn.
Tác giả
TS. Nguyễn Hữu Khải