Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, phát huy được thế mạnh và tiềm năng của Việt Nam luôn là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và sâu sắc. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ 10 đã khẳng định: “Đẩy mạnh tự do hóa thương mại phù hợp các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo bước phát triển mới, nhanh và toàn diện thị trường dịch vụ, nhất là những dịch vụ cao cấp, có hàm lượng trí tuệ cao, giá trị gia tăng lớn. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch. Phát triển nhanh hơn các dịch vụ vận tải, viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ tư vấn,..." Đối với Việt Nam, lĩnh vực này mới chỉ thực sự được đề cập và chú trọng phát triển sau những năm đổi mới (1986), từ lý luận đến thực tiễn còn nhiều vấn đề chưa hoàn toàn thống nhất. Trong khi đó, thực tế đã cho thấy các ngành dịch vụ ngày càng có vị trí quan trọng mang tính quyết định đối với sự phát triển kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Năm 2005 tỷ trọng dịch vụ/GDP của Hoa Kỳ là trên 80%, của Singapore xấp xỉ 70%. Mặc dù được coi là mới chú trọng phát triển nhưng tỷ trọng này của Việt Nam cũng đã chiếm tới trên 38%. Năm 2007, với việc chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, Việt Nam bắt đầu bước vào quá trình thực hiện các cam kết theo lộ trình đối với hầu hết các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực dịch vụ, với các cam kết khá rộng bao gồm 11/11 ngành, 150/155 phân ngành. Tiểm năng và cơ hội phát triển các ngành dịch vụ còn nhiều, nhưng chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Do vậy vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ Việt Nam là vô cùng quan trọng và cần thiết. Xuất phát từ những lý do trên, nhóm tác giả do PGS. TS Nguyễn Hữu Khải và ThS. Vũ Thị Hiển - giảng viên Đại học Ngoại thương, đã biên soạn cuốn sách chuyên khảo: "Các ngành dịch vụ Việt Nam - năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế" nhằm mục đích hệ thống lại một số vấn đề lý luận liên quan đến lĩnh vực dịch vụ; tìm hiểu những cam kết song phương và đa phương về dịch vụ của Việt Nam trong quá trình hội nhập, phân tích, đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ Việt Nam trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực; từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ của Việt Nam.
Nội dung cuốn sách được kết cấu làm 5 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ.
Chương 2: Kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ của một số nước trên thế giới.
Chương 3: Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam.
Chương 4: Năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ của Việt Nam.
Chương 5: Định hướng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Nhóm tác giả hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp những thông tin, tư liệu tham khảo có ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các giảng viên và sinh viên các trường đại học đang nghiên cứu, học tập liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là sinh viên trường Đại học Ngoại thương (ở cả bậc đại học và sau đại học) đang theo học các môn học như Chính sách thương mại quốc tế, Kinh tế quốc tế, Quan hệ kinh tế quốc té.... Tác giả xin chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các nhà quản lý đang công tác tại Viện Kinh tế - Chính trị Thế giới (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương Mại), Phòng Quản lý Khoa học và các giảng viên Bộ môn Chính sách thương mại quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương) đã đọc, góp ý, cung cấp tư liệu và hợp tác trong quá trình biên tập cuốn sách này.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ là một chủ trương lớn, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài, do vậy, công tác biên soạn không tránh được những thiếu sót. Mặt khác, đây là lần xuất bản đầu tiên. Kính mong bạn đọc thông cảm, góp ý về hình thức và nội dung cuốn sách để nhóm tác giả tiếp tục chỉnh lý và hoàn thiện ở những lần xuất bản sau.
T/M NHÓM TÁC GIẢ
PGS.TS. NGUYỄN HỮU KHẢI